Nghỉ hưu Nelson_Mandela

Nelson Mandela trong sinh nhật lần thứ 90 của ông vào năm 2008.

Mandela là Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất của Nam Phi khi ông nhậm chức ở tuổi 75 vào năm 1994. Ông đã quyết định không cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai và nghỉ hưu vào năm 1999, người kế nhiệm ông là Thabo Mbeki.

Sau khi rời ghế Tổng thống, Mandela tiếp tục đóng vai trò tích cực trong nhiều tổ chức xã hội và vì quyền con người. Ông biểu lộ sự ủng hộ phong trào Make Poverty History (Biến đói nghèo thành dĩ vãng) mà trong đó Chiến dịch ONE là một bộ phận.[111] Giải golf gây quỹ Khách mời Nelson Mandela, do Gary Player chủ trì, đã thu được hơn 20 triệu rand cho các quỹ vì trẻ em từ lúc bắt đầu năm 2000.[112]

Mandela cũng là người ủng hộ cho Làng trẻ em SOS, tổ chức chuyên quyên tiền giúp đỡ trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi lớn nhất thế giới.[113] Mandela cũng xuất hiện trong một đoạn quảng cáo cho Thế vận hội mùa đông 2006, và đã được trích dẫn trong chiến dịch Chúc mừng nhân loại của Ủy ban Olympic Quốc tế:[114]

For seventeen days, they are roommates.

For seventeen days, they are soulmates.And for twenty-two seconds, they are competitors.Seventeen days as equals. Twenty-two seconds as adversaries.What a wonderful world that would be.That's the hope I see in the Olympic Games.

Tạm dịch:

Trong mười bảy ngày, chúng ta là bạn hữu.

Trong mười bảy ngày, chúng ta là tâm giao.Và trong hai mươi hai giây, chúng ta là đối thủ.Mười bảy ngày bình đẳng. Hai mươi hai giây đối địch.Thế giới như thế mới tuyệt vời làm sao.Đó là niềm hy vọng mà tôi thấy được trong Thế vận hội.

Sức khỏe

Tháng 7 năm 2001 Mandela được chẩn đoán bệnh ung thư tuyến tiền liệt và tiến hành chữa trị. Ông được xạ trị trong 7 tuần.[115] Năm 2003, Mandela bị CNN thông báo nhầm là đã chết khi bản cáo phó viết sẵn của ông (cùng với vài yếu nhân khác) do sơ suất đã hiển thị trên website của CNN vì lỗi bảo vệ mật khẩu.[116] Vào năm 2007, một nhóm cánh tả không chính thống đã phổ biến email và tin nhắn SMS giả mạo nói rằng nhà chức trách đang giấu giếm cái chết của Mandela và những người Nam Phi da trắng sẽ bị tàn sát sau tang lễ của ông. Mandela lúc đó đang đi nghỉ tại Mozambique.[117]

Tháng 6 năm 2004, ở tuổi 85, Mandela thông báo rằng ông sẽ không tham gia các hoạt động công cộng nữa. Sức khỏe của ông dần giảm sút, và ông muốn có nhiều thời gian hơn với gia đình. Mandela nói rằng không định cách ly hoàn toàn khỏi công chúng, nhưng muốn mình ở vị thế "sẽ gọi cho các bạn để hỏi xem tôi có được chào đón hay không, chứ không phải được mời làm các thứ và tham dự các sự kiện nữa. Lời thỉnh cầu của tôi là: Đừng gọi cho tôi, tôi sẽ gọi cho các bạn."[118] Từ năm 2003, ông ít xuất hiện trước công chúng hơn và ít phát ngôn trước các vấn đề.[119] Tóc ông bạc trắng và ông di chuyển chậm chạp với sự hỗ trợ của gậy. Cũng có báo cáo là ông đang bị chứng mất trí nhớ của người già.[120]

Sinh nhật lần thứ 90 của Mandela đã được tổ chức ở nhiều nơi khắp đất nước ngày 18 tháng 7 năm 2008, lễ mừng chính được tổ chức tại quê nhà Qunu của ông.[121] Một buổi hòa nhạc vinh danh ông cũng được tổ chức tại Hyde Park, Luân Đôn.[122] Trong buổi diễn văn kỷ niệm sinh nhật của mình, Mandela kêu gọi những người giàu hãy giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới.[121] Mặc dù vẫn ít xuất hiện trong suốt kỳ World Cup 2010 tại Nam Phi, Mandela cũng xuất hiện tại buổi bế mạc, tại đó ông đã được "chào đón nhiệt liệt".[123]

The Elders

Ngày 18 tháng 7 năm 2007, Nelson Mandela, Graça Machel, và Desmond Tutu tụ họp một nhóm các nhà lãnh đạo thế giới tại Johannesburg để đóng góp sự hiểu biết và khả năng lãnh đạo độc lập để giải quyết các vấn đề khó khăn nhất trên thế giới. Nelson Mandela thông báo lập nên một nhóm mới, The Elders, trong một bài diễn văn nhân sinh nhật lần thứ 89 của mình.[124]

Tổng giám mục Tutu làm chủ tịch của The Elders. Các thành viên sáng lập nhóm bao gồm Graça Machel, Kofi Annan, Ela Bhatt, Gro Harlem Brundtland, Jimmy Carter, Lý Triệu Tinh, Mary RobinsonMuhammad Yunus.[125]

"Nhóm này có tiếng nói tự do và khẳng khái, hoạt động công khai lẫn hậu trường về bất cứ hành động nào cần thực hiện", Mandela nói. "Cùng với nhau chúng tôi sẽ hoạt động để ủng hộ lòng can đảm tại nơi có sợ hãi, nuôi dưỡng thỏa thuận tại nơi có tranh chấp, và truyền hy vọng tại nơi tuyệt vọng."[126]

Chống AIDS

Sau khi về hưu, một trong những sự quan tâm chính của Mandela là đấu tranh chống lại bệnh dịch AIDS. Ông đã có bài phát biểu bế mạc Hội nghị về AIDS Quốc tế lần thứ XIII năm 2000, tại Durban, Nam Phi.[127] Vào năm 2003, ông hỗ trợ bằng cách cho phép chiến dịch gây quỹ chống AIDS 46664 sử dụng số hiệu tù nhân của ông.[128] Tháng 7 năm 2004, ông bay tới Bangkok để phát biểu tại Hội nghị về AIDS Quốc tế lần thứ XV.[129] Con trai ông, Makgatho Mandela, chết vì bệnh AIDS vào ngày 6 tháng 1 năm 2005.[130]

Phê phán chính sách ngoại giao của Mỹ và Anh

Nelson Mandela phản đối mạnh mẽ vụ can thiệp của NATO tại Kosovo năm 1999 và gọi đó là nỗ lực của các cường quốc nhằm kiểm soát thế giới.[131] Năm 2002 và 2003, Mandela chỉ trích chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Mỹ George W. Bush trong nhiều bài phát biểu.[132][133] Phê phán về việc thiếu sự tham gia của Liên Hiệp Quốc trong quyết định bắt đầu Chiến tranh Iraq, ông nói, "Đó là một bi kịch, những gì đang xảy ra, những gì Bush đang làm. Nhưng Bush giờ đây đang làm xói mòn Liên Hiệp Quốc." Mandela cho rằng ông chỉ ủng hộ hành động chống lại Iraq nếu đó là do Liên Hiệp Quốc ra lệnh. Mandela cũng nói bóng gió đến việc Liên Hiệp Quốc có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi sự phân biệt chủng tộc vì đã không tuân theo ý kiến của Liên Hiệp Quốc và tổng thư ký Kofi Annan về vấn đề chiến tranh. "Có phải vì tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hiện tại là một người da đen hay không? Họ không bao giờ làm vậy khi tổng thư ký là người da trắng".[134]

Ông kêu gọi nhân dân Mỹ tham gia vào các cuộc biểu tình lớn chống lại Bush và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là những nước có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, phản đối Bush.[135] "Điều tôi lên án ở đây là chỉ một cường quốc, với một vị tổng thống không có óc chiến lược, người không thể nghĩ cho đúng đắn, giờ đang muốn đẩy thế giới vào một cuộc tàn sát." Ông tấn công Hoa Kỳ vì các thành tích xấu về nhân quyền và đã thả bom nguyên tử xuống Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới II. "Nếu có một quốc gia có hành động tàn ác đến mức không thể diễn tả được bằng lời, đó là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Họ bất cần."[134] Nelson Mandela cũng chê trách nặng nề Thủ tướng Anh Tony Blair và gọi ông là "ngoại trưởng của Mỹ."[136]

Tranh chấp với Ismail Ayob

Ismail Ayob từng là một người bạn tin cậy và là luật sư riêng của Mandela trong hơn 30 năm. Vào tháng 5 năm 2005, Ayob được Mandela yêu cầu dừng bán các ấn phẩm có chữ ký của Mandela và tính toán lại lợi nhuận thu được từ việc bán chúng. Tranh chấp này đã khiến Mandela đệ đơn lên Tòa án Tối cao Nam Phi vào năm đó.[137] Ayob cho rằng mình không làm điều gì sai trái,[138] và nói rằng ông là nạn nhân của một chiến dịch bôi nhọ do các cố vấn của Mandela, mà cụ thể là luật sư George Bizos, dựng lên.[139]

Vào năm 2005 và 2006, Ayob và vợ con của ông trở thành đối tượng chỉ trích của các cố vấn của Mandela. Vụ tranh chấp này được truyền thông rộng rãi, với Ayob được mô tả ở vị thế phản diện, cao điểm là khi Mandela đệ đơn lên Tòa án Tối cao. Đã có những cuộc họp công khai trong đó những người thân cận của Mandela chỉ trích Ayob và công chúng còn kêu gọi tẩy chay Ayob và gia đình ông.[140] Lời biện hộ của Ismail và Zamila Ayob (vợ ông, và cũng là bị cáo liên quan) đưa ra các văn bản do Mandela ký và được các thư ký của ông làm chứng, từ đó bác bỏ nhiều lý lẽ của Nelson Mandela và các cố vấn.[141]

Tranh chấp này một lần nữa lại xuất hiện trên mặt báo vào tháng 2 năm 2007 khi trong một phiên tòa tại Tòa án Tối cao Johannesburg, Ayob hứa sẽ trả 700.000 rand cho Mandela, chuyển qua các quỹ vì trẻ em của Mandela, và gửi lời xin lỗi,[142][143] mặc dù sau đó ông cho rằng ông là nạn nhân của "Sự trả thù" từ Mandela.[144] Một số nhà bình luận bày tỏ sự cảm thông cho vị thế của Ayob, nói rằng vị trí biểu tượng của Mandela khiến cho Ayob khó mà được đối xử một cách công bằng.[139]

Lý lẽ

Ayob, George Bizos và Wim Trengove là những người được ủy thác của Quỹ Ủy thác Nelson Mandela, được thành lập để cất giữ hàng triệu rand do các nhân vật kinh doanh nổi tiếng, trong đó có gia đình Oppenheimer, tặng cho Nelson Mandela vì lợi ích của con và cháu của ông.[145] Ayob sau này rút lui của Quỹ ủy thác. Vào năm 2006, hai người được ủy thác còn lại của Nelson Mandela Trust đã tố cáo Ayob đã chi tiêu tiền từ quỹ ủy thác mà không báo cho họ biết.[146] Ayob tuyên bố rằng số tiền này là để trả cho Dịch vụ Doanh thu Nam Phi, cho con và cháu của Mandela, cho chính Mandela, và trả cho bốn năm làm việc của công ty kế toán.[143]

Bizos và Trengrove từ chối thông qua việc chi trả cho con cháu của Nelson Mandela và tiền trả cho công ty kế toán. Phiên tòa đã thỏa thuận rằng Ismail Ayob phải trả số tiền này, tổng cộng hơn 700.000 rand, cho quỹ ủy thác vì lẽ Ayob đã chưa được sự đồng ý của hai ủy thác viên khác trước khi dùng tiền.[147] Người ta cũng khẳng định là Ayob đã có những nhận xét phỉ báng Mandela trong bản khai, vì thế tòa cũng yêu cầu Ayob xin lỗi.[148] Người ta đã cho thấy các nhận xét này, tập trung vào các tài khoản ở nước ngoài của Nelson Mandela và việc không trả thuế cho các tài khoản này, không xuất phát từ lời khai của Ayob mà là từ chính lời khai của Nelson Mandela và George Bizos.[149]

Tranh cãi về Kim cương máu

Trong một bài viết trong báo The New Republic tháng 12 năm 2006, Nelson Mandela bị chỉ trích vì một số lời nhận xét tốt đẹp về ngành công nghiệp kim cương. Người ta lo ngại là điều này sẽ làm lợi cho những nhà cung cấp kim cương máu.[150] Trong bức thư gửi tới Edward Zwick, đạo diễn của bộ phim Kim cương máu, Mandela nói rằng:

...sẽ cực kỳ đáng tiếc nếu bộ phim này vô tình sai sự thật, và kết quả là, khiến cho thế giới tin rằng cần phải có hành động thích hợp để ngưng việc mua kim cương được khai thác từ châu Phi.... Chúng tôi hy vọng rằng khát khao được kể một câu chuyện lịch sử về câu chuyện có thật hấp dẫn và quan trọng sẽ không dẫn đến sự mất ổn định tại các quốc gia sản xuất kim cương ở châu Phi, và cuối cùng là nhân dân các nước đó.[151]

Bài báo trên New Republic nói rằng lời bình luận này, cũng như các sáng kiến và phát biểu trong cuộc đời ông và trong thời gian làm tổng thống Nam Phi, bị ảnh hưởng từ cả tình bạn với Harry Oppenheimer, cựu chủ tịch De Beers, lẫn từ quan điểm 'quyền lợi quốc gia hẹp hòi' của Nam Phi (là nhà sản xuất kim cương chính).[152]

Zimbabwe và Robert Mugabe

Robert Mugabe, tổng thống Zimbabwe, người đã lãnh đạo đất nước này từ khi độc lập năm 1980, đã nhận được nhiều lời chỉ trích trên thế giới vì trận đánh giết chết khoảng 3000 người vào thập niên 1980 cũng như tham nhũng, quản lý yếu kém, đàn áp chính trị và theo gia đình trị dẫn đến nền kinh tế nước này sụp đổ.[153][154]

Mặc dù cùng xuất thân là những nhà hoạt động vì tự do quốc gia, Mandela và Mugabe ít khi được xem là gần gũi. Mandela chỉ trích Mugabe vào năm 2000, nhắc tới những nhà lãnh đạo châu Phi đã giải phóng đất nước họ nhưng khư khư giữ ghế quá lâu.[155][156] Khi về hưu, Mandela ít nhắc đến Zimbabwe và các vấn đề đối nội đối ngoại hơn,[119] đôi khi đưa đến chỉ trích là không biết sử dụng ảnh hưởng của mình để khuyến khích giảm bớt chính sách của mình.[157] Luật sư của ông George Bizos tiết lộ rằng Mandela đã được khuyên để giữ gìn sức khỏe ông phải tránh tham gia vào các hoạt động nhiều áp lực như các tranh cãi về chính trị.[158] Tuy nhiên, vào năm 2007, Mandela đã nỗ lực thuyết phục Mugabe rời chức "sớm hơn", với "chút ít chân giá trị còn lại", trước khi ông bị săn đuổi như Augusto Pinochet. Mugabe không phản ứng gì trước lời phát biểu này.[159] Vào tháng 6 năm 2008, ở cao trào khủng hoảng trong cuộc bầu cử tổng thống Zimbabwe, Mandela lên án "sự thất bại thảm hại của quyền lãnh đạo" tại Zimbabwe.[160]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nelson_Mandela http://epress.anu.edu.au/aborig_history/indigenous... //nla.gov.au/anbd.aut-an35325159 http://www.uq.net.au/~zzhsoszy/states/southafrica/... http://archives.cbc.ca/politics/international_poli... http://www.cbc.ca/canada/story/2001/11/19/mandela_... http://www.ctvnews.ca/world/nelson-mandela-hero-of... http://www.gg.ca/honours/search-recherche/honours-... http://www.mandela-children.ca/ http://www.mandela-children.ca/index.php?option=co... http://www.46664.com/2